Khi nhà thầu nước ngoài “đệ đơn” rút khỏi cầu Đông Trù, tưởng chừng công trình có độ khó về kỹ thuật bậc nhất và mới toanh trong lĩnh vực cầu của Việt Nam sẽ rơi vào bế tắc. Nhưng trong tình thế nan nguy ấy, nội lực và ý chí tuyệt vời của những người thợ cầu Việt đã được thể hiện để kịp thông xe cây cầu đặc biệt này đúng dịp Thủ đô kỷ niệm 60 năm giải phóng...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Bộ trưởng Đinh La Thăng khi cây cầu Đông Trù được thực hiện 100% bởi chính những kỹ sư, thợ cầu Việt Nam |
Nhà thầu “đóng thế” hoàn hảo
Tại thời điểm ký hợp đồng cầu Đông Trù năm 2009, với những yêu cầu về kỹ thuật và công nghệ cao, các nhà thầu của Việt Nam, trong đó không ít nhà thầu lớn, có thương hiệu như các CIENCO đều phải chào thua. Khi ấy, Tổng công ty Cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) đã được lựa chọn là nhà thầu phụ đặc biệt, chịu trách nhiệm thi công phần trên, nhịp chính cầu.
Thế nhưng, sau hơn hai năm đàm phán để ký hợp đồng thi công chính thức, cuối cùng nhà thầu Quảng Tây lại xin rút khỏi dự án với lý do, “định mức không phù hợp”. Vì thế, phần khó nhất của cầu Đông Trù rơi vào cảnh... vô chủ. Chủ đầu tư dự án là Ban QLDA Tả Ngạn thực sự lúng túng bởi chưa biết tìm đâu ra nhà thầu có thể thực hiện phần việc khó khăn này. Nhớ lại quãng thời gian ấy, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Ban QLDA Tả Ngạn kể: “Lúc ấy rà đi soát lại mãi mới lóe lên tia hy vọng. Tìm hiểu khắp các nhà thầu trong nước, chúng tôi nhận thấy Tổng Công ty XDCTGT 1 (CIENCO1) vừa thực hiện xong cầu vòm thép đầu tiên là cầu Rồng (Đà Nẵng) và cầu vòm bê tông là Châu Giang (Hà Nam). Nếu kết hợp cả hai yếu tố kỹ thuật thi công tại hai dự án này, họ có thể đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện cầu Đông Trù”.
Vậy là sau khi nhà thầu Trung Quốc rút khỏi dự án 10 tháng, UBND TP Hà Nội mới quyết định giao CIENCO1 đảm nhiệm thi công nốt phần trên vòm của cầu. Để được thi công phần việc này, CIENCO 1 phải cam kết đáp ứng những điều kiện vô cùng khắt khe là hoàn thành công trình trong vòng 18 tháng với những điều kiện không thể nghiêm ngặt hơn về kỹ thuật.
Cuối tháng 7/2013, lô hàng thép đầu tiên để sản xuất vòm ống thép về đến Việt Nam cũng là lúc các cơn lũ lớn bắt đầu ngưng, thợ cầu CIENCO 1 ào ra công trường. Để bảo đảm khối lượng công việc khổng lồ, các đơn vị thi công đã phải vừa sản xuất kết cấu thép, vừa thi công bê tông khối đỉnh trụ, dầm ngang đúc tại chỗ, chuẩn bị đà giáo trụ tạm và các thiết bị cẩu lắp...
Ngày thông xe cầu Đông Trù, đứng nhìn những vòm cầu thép sừng sững, hiên ngang giữa trời thu Hà Nội trong những ngày Thủ đô tròn 60 năm giải phóng, ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT CIENCO1 thở phào: “Đây là thành công lớn của CIENCO 1. Tại công trình này, những người thợ cầu chúng tôi đã thể hiện một sức sáng tạo tuyệt vời. Có thể nói, đây là một cây cầu hoàn toàn do nội lực tạo dựng nên, từ khâu thiết kế lẫn thi công đều do người Việt Nam thực hiện”.
Vòm thép cầu Đông Trù được những người thợ CIENCO1 thi công đạt chất lượng với mỹ thuật cao |
Chụp X-Quang từng mối hàn, siêu âm từng thanh dầm
Theo ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc CIENCO 1: “Để xây dựng cầu Đông Trù, Tổng công ty đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật như: Phương pháp lắp đặt vòm thép bằng cẩu nổi và trụ tạm thay thế phương pháp lắp dựng bằng hệ thống dây thiên tuyến do nhà thầu nước ngoài thiết kế ban đầu. Sử dụng hệ thống kích nâng đa hành trình lắp đặt các đoạn vòm thép tổ hợp dài đến 53 m, nặng 280 tấn lên độ cao 42 m so với mặt nước... Đấy là những thách thức vô cùng lớn mà có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua nổi”.
Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Tổng giám đốc CIENCO 1 kể, khi sang Hàng Châu (Trung Quốc) để tham khảo công nghệ vòm thép nhồi bê tông, chúng tôi mới thấy, nếu áp dụng đúng theo công nghệ của họ, không thể thực hiện được ở Việt Nam. Phương pháp lắp đặt dây thiên tuyến cũng giống như việc điều khiển con rối. Tức là hệ thống dây được bố trí ở hai đầu trụ, xung quanh và điều khiển các hệ nâng, kéo để lắp vòm. Nếu theo phương pháp này sẽ mất rất nhiều diện tích lắp đặt thiết bị. Với điều kiện như vậy phải GPMB rất lớn, có khi mất đến vài năm mới có mặt bằng thi công. Vì thế, chúng tôi đưa ra ý tưởng dùng kích nâng từ dưới lên, sử dụng trụ tạm và cần cẩu nổi để nâng vòm. Việc làm này có thể tiết kiệm được một khoản kinh phí lớn từ GPMB.
Một đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt khi thi công cầu Đông Trù mà ít ai có thể hình dung là tất cả các thanh dầm, ống vòm trước khi mang ra công trường đều được chụp X-Quang, siêu âm bảo đảm độ chính xác và sự chắc chắn tuyệt đối. Kỹ sư Đặng Thanh Bình cho biết, từng đoạn vòm ngắn được hàn với nhau thành các đoạn dài hơn để lắp cho công trường. Cứ 2 mét lại có một đoạn ống nối với nhau nên nếu có sai số, hàn không kín, khả năng chịu lực sẽ giảm đi nhiều. Vì thế đòi hỏi phải kiểm soát độ chính xác tuyệt đối. Để kiểm tra chất lượng, ngoài việc phải siêu âm các mối hàn, nhà máy sản xuất dầm, ống vòm đặt tại Hải Dương còn phải chụp X-Quang, phóng xạ các mối hàn để phát hiện khuyết tật.
“Chúng tôi đã phải chụp X-Quang từng mối hàn và siêu âm 100% các thanh dầm để loại bỏ ngay những khuyết tật. Trong suốt quá trình thực hiện, các kỹ sư tại nhà máy đã chụp hơn 2 nghìn mối hàn và siêu âm 8 ngàn mét dầm. Có lẽ đây cũng là một kỷ lục chưa từng có trong công nghệ làm cầu tại Việt Nam”, kỹ sư Bình tâm sự.
Vinh quang thợ cầu Việt Nam
Ngày thông xe, kỹ sư Bình vẫn lặng lẽ chỉ huy công nhân hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Anh Bình bảo, cả đêm qua anh đứng trên mặt cầu để ngắm nhìn toàn cảnh công trình. Đến gần sáng quay về lán trại cũng không chợp mắt nổi. Trong lòng cứ trào lên một cảm giác lâng lâng, khó tả. Tháng ngày thi công cây cầu này là những kỷ niệm không bao giờ quên: “Những ngày đầu xuân mưa phùn gió bấc, trèo trên kết cấu thép trơn như cột mỡ, đến những buổi trưa hè nắng chói chang thi công hàn mối nối hiện trường. Từ 8 đài chỉ huy lắp vòm chỉ rộng 16m2 trên cao trình 55 m, hơn 10 kỹ sư và công nhân chỉ huy vận hành lắp đặt vòm thép giữa trưa hè 38 độ C. Rồi những đêm thức trắng làm mát và bơm bê tông nhồi vòm ống. Tổng cộng có đến 36 lần bơm nhồi bê tông như thế. Vậy mà đến nay, tất cả các ẩn số kỹ thuật của công trình đều được giải mã”.
Kỹ sư Bình kể, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa rồi cán bộ, công nhân viên trên công trường không được trọn vẹn sum vầy bên gia đình. Qua hai ngày nghỉ ngắn ngủi, sáng mùng 3 Tết, toàn bộ công trường tập hợp đủ 100% quân số tiếp tục thi công. Thế nhưng, điều nhớ nhất đối với tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân CIENCO 1 là giai đoạn nước rút 100 ngày cao điểm hoàn thành gói thầu xây dựng cầu Đông Trù.
“Từ khi thi công bơm bê tông nhồi vòm xong cho đến lúc lắp đặt vòm, toàn bộ khối lượng được hoàn thiện với tốc độ kỷ lục, chỉ có 100 ngày. Trước đó, ngày 5/7, Tổng công ty đã phát động thi đua cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành cầu Đông Trù. Lúc cao điểm, có đến 600 cán bộ, công nhân trên công trường, làm 3 ca, 4 kíp và 24/24 giờ. Lúc đó, cả công trường như một thành phố đêm nào cũng sáng đèn. Đến ngày 25/8 tất cả phần bê tông mặt cầu đã thi công xong”, kỹ sư Bình xúc động nói.
Tiến Mạnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ thông xe cầu Đông Trù
Hôm qua (9/10), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp đến dự và cắt băng thông cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, thuộc dự án Đường 5 kéo dài. Cùng dự còn có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Dự án xây dựng Đường 5 kéo dài có tổng mức đầu tư 6.661 tỷ đồng. Đây là tuyến đường đô thị chính cấp I, được nối từ khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì tới QL5, với chiều dài 13,32 km, mặt cắt ngang nền đường 68,5m. Đặc biệt, trên tuyến có xây dựng cầu Đông Trù được áp dụng công nghệ mới là cầu vòm ống thép nhồi bê tông. Tuyến đường 5 kéo dài hoàn thành sẽ tạo nên trục giao thông chính nhằm đảm bảo các điều kiện về hạ tầng giao thông vận tải phục vụ đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị phía Bắc sông Hồng, góp phần thúc đẩy kinh tế -xã hội của Thành phố. T.M
|
Ý kiến bạn đọc