Đăng lúc: Chủ nhật - 14/06/2015 20:13 - Người đăng bài viết: Nguyen Huy

Lễ thông tuyến Gói thầu CP1A - Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh

Lễ thông tuyến Gói thầu CP1A - Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh

Lễ thông tuyến Gói thầu CP1A - Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh

Ngày 12 tháng 6 năm 2015 tại ga Ninh Bình (lý trình Km115+775) thuộc phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, được sự cho phép của Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức Lễ thông tuyến gói thầu CP1A thuộc Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – Tp.Hồ Chí Minh và Gắn biển Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành Giao thông vận tải. 

Gói thầu CP1A là một trong các gói thầu xây lắp chính của Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – Tp.Hồ Chí Minh, nằm trên địa bàn hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Nhà thầu thi công là liên danh MES-Rinkai-Taisei-Cienco1 (MRTC1) với tổng giá trị là 6,568 tỷ Yên Nhật (tương đương 1.518 tỷ đồng). Quy mô Gói thầu bao gồm: thi công xây dựng mới cầu đường sắt Ninh Bình, ga Ninh Bình, cầu vượt đường sắt phía Nam ga Ninh Bình và một số hạng  mục liên quan trong phạm vi đường hai đầu cầu như đường chui, đường ngang, hệ thống thông tin tín hiệu.
Cầu đường sắt Ninh Bình được xây dựng mới cách cầu cũ khoảng 30m về phía hạ lưu, bao gồm 3 nhịp dầm vòm thép chiều dài mỗi nhịp 75m và 22 nhịp dầm hộp BTCT DƯL chiều dài mỗi nhịp 33m. Cầu có hệ thống mố, trụ bằng bê tông cốt thép trên móng cọc khoan nhồi. Kiến trúc tầng trên đường sắt gồm ray 50N Nhật Bản hàn dài, liên kết trực tiếp vào dầm thép và đặt trên tà vẹt liên kết trực tiếp với bản bê tông của dầm BTCT DƯL không đá ba lát giúp tàu chạy êm thuận, ít rung lắc. Đường dẫn hai đầu cầu được xử lý nền đất yếu bằng phương pháp cọc xi măng trộn sâu CDM-LODIC theo công nghệ Nhật Bản. Công nghệ ray hàn dài đặt trên tà vẹt liên kết trực tiếp với bản bê tông của dầm BTCT DƯL và công nghệ xử lý đất yếu bằng phương pháp xi măng trộn sâu của cầu Ninh Bình là các công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng cho các cầu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.
Ga Ninh Bình được xây dựng mới cách ga cũ 1,35km về phía Nam. Quy mô đường trong ga được tăng từ 4 lên 11 đường giúp tăng khả năng đón tiễn hành khách; tập kết, xếp dỡ hàng hoá; chỉnh bị, sửa chữa đầu máy toa xe và dồn tầu. Hệ thống thông tin, tín hiệu sử dụng tín hiệu ga điện khí tập trung, đóng đường khu gian tự động một phân khu, thông tin cáp quang kỹ thuật số. Ga Ninh Bình mới có nhiều công trình, hạng mục để phục vụ và hỗ trợ nhiều chuyên ngành khác nhau như nhà ga chính, khu nhà chức năng, khu hóa trường, trạm chỉnh bị đầu máy, trạm chỉnh bị toa xe, quảng trường ga và vườn hữu nghị Việt - Nhật. Đặc biệt, ga được xây dựng bổ sung cầu vượt bộ hành trong ga và nâng cao ke ga để thuận tiện cho hành khách lên xuống tầu. Nhà ga chính được xây dựng hai tầng có phòng đợi tầu thông tầng và các khối dịch vụ bao gồm phòng ăn uống, thông tin du lịch và bán đồ lưu niệm. Ga được xây dựng với ý tưởng kiến trúc châu Á xây dựng công nghệ cao, sử dụng mái giàn không gian nhưng vẫn mang nét cổ điển hài hòa với kiến trúc xung quanh.
Việc thông tuyến đưa cầu đường sắt Ninh Bình và ga Ninh Bình mới vào khai thác chạy tàu là một hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước Ngành Giao thông vận tải, tiến tới Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XII, mang một ý nghĩa quan trọng đối với ngành GTVT nói chung, Đường sắt Việt Nam nói riêng cũng như hai địa phương Nam Định và Ninh Bình. Sau khi đưa công trình vào khai thác sẽ góp phần nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt, nâng cao tốc tộ chạy tầu và rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến. Năng lực vận tải và xếp dỡ hàng hoá của ga Ninh Bình tăng lên, đáp ứng lượng hành khách và khách du lịch đến Ninh Bình cũng như nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hoá ngày càng tăng. Đồng thời, một số nút giao đồng mức cũng được xoá bỏ, đảm bảo an toàn trong quá trình đi lại hai bên đường sắt của người dân địa phương.
Tác giả bài viết: VP