Đăng lúc: Thứ năm - 03/07/2014 13:01 - Người đăng bài viết: Nguyen Huy

Nhà thầu Việt Nam "làm gọn" công trình Trung Quốc bỏ dở

Cây cầu Đông Trù hiện đại đã dần hình thành dưới bàn tay thợ cầu CIENCO1

Cây cầu Đông Trù hiện đại đã dần hình thành dưới bàn tay thợ cầu CIENCO1

Thời gian qua, vấn đề kinh tế Việt Nam cần và phải "thoát Trung" đã được đặt ra. Từ xuất khẩu nông sản đến nguyên phụ liệu và cả các công trình giao thông, điện… đều đang cần những bước đi quyết đoán và hiệu quả.Vì một số lý do, nhà thầu phụ từ Trung Quốc đã phải bỏ dở công trình xây dựng cầu Đông Trù. Nhà thầu Việt Nam tiếp nhận và đang phấn đấu hoàn thành vào dịp giải phóng Thủ đô 10/10.
Đã hoàn thành 70% công việc
Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh của Hà Nội được khởi công xây dựng từ năm 2006 và dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2008. Đây là gói thầu chính, quan trọng nhất của toàn bộ dự án đường 5 kéo dài, tổng mức đầu tư của dự án hơn 6.600 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước
Đây là dự án do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) làm nhà thầu chính và Tổng công ty xây dựng cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) là nhà thầu phụ chịu trách nhiệm thi công kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông.
Tuy nhiên, tới tháng 6/2012, nhà thầu Quảng Tây đã tự xin rút ra khỏi dự án với những lý do: khác biệt về thể chế, đơn giá định mức đầu tư giữa hai bên… Trong khi đó, phần thiết kế, thi công kết vòm thép phụ thuộc vào công nghệ, tư vấn, thi công cho cây cầu này lại là của Trung Quốc.
Thời điểm đó, Cienco 1 đang thi công cầu Châu Giang (Hà Nam) và vừa hoàn thành cầu Rồng (Đà Nẵng) có dạng kết cấu tương tự. Sau khi có ý kiến của cơ quan chức năng, UBND TP Hà Nội đã giao cho Cienco 1 đảm nhiệm tiếp phần dang dở của nhà thầu Quảng Tây cho công trình cầu Đông Trù.


Bằng nội lực của mình kỹ sư, công nhân của Cienco 1 đã làm chủ được kỹ thuật và đang đưa công trình về đích
Theo Thạc sĩ Đỗ Thanh Bình, Trưởng phòng kĩ thuật vật tư thiết bị Cienco 1, Giám đốc Ban điều hành cầu Đông Trù, cầu gồm 4 trụ cầu và 3 nhịp cầu đôi dạng kết cấu vòm thép nhồi bê tông, tổng chiều dài là 1.140m, với 8 làn xe và công nghệ cầu vòm ống thép nhồi bê tông là lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
"Cầu Châu Giang bắc qua sông nông, không có thuyền bè qua lại, cầu Rồng thì chiều cao thấp, tàu bè hạn chế. Còn cầu Đông Trù là cầu bắc qua sông cấp 3, nhiều tàu bè đi lại, lưu lượng vận tải lớn, phía trên thi công, phía dưới tàu bè vẫn qua lại bình thường. Thêm vào đó, chiều cao lắp đặt cầu cũng cao hơn: có những hạng mục lắp đặt cao trên 50m so với mặt nước"- ông Bình nói.
Với bao khó khăn nhưng với yêu cầu vào dịp kỉ niệm Giải phóng Thủ đô (10/10) Cienco 1 phải hoàn thành công trình, từ tháng 4/2013, công ty đã huy động toàn bộ lực lượng kỹ sư, công nhân tinh nhuệ nhất của các Xí nghiệp Cầu 17, Cầu 18, Công ty Thi công cơ giới vơi 1. 500 kỹ sư, công nhân liên tục thi công 3 ca/ngày.
"Tới thời điểm này, chúng tôi đã cơ bản thi công xong đường dẫn hai đầu cầu; lắp đặt và nâng vòm chính ba nhịp đôi đồng thời lắp đặt dầm ngang, dầm dọc và thi công hoàn thiện phần đường trên cầu. Khối lượng công trình đã hoàn thiện tới khoảng 70%”- ông Bình nói.
Nhà thầu Việt Nam hoàn toàn đáp ứng
Mặt mạnh của các nhà thầu Trung Quốc là việc thi công vòm ống thép nhồi bê tông đòi hỏi kỹ thuật cao và chính xác và họ đã làm qua nhiều công trình. Còn đây lại là một thể dạng mới với các nhà thầu Việt Nam.
Mặc dù vậy, theo ông Bình, khi Cienco 1 tiếp nhận phần thầu này thì các giải pháp thi công phía Việt Nam không hề thua kém, thậm chí chi phí còn rất hợp lý.
"Sau khi tìm hiểu, dù phương pháp lắp đặt vòm thép như thế này chưa có tiền lệ trong thi công cầu ở Việt Nam nhưng với các kỹ sư, thợ lành nghề, chúng tôi đã hợp long được vòm thép cho cầu với chiều dài lên tới 53m, chiều  rộng 23,5m và trọng lượng 280 tấn một cách an toàn" - ông Bình chia sẻ.


Khi Cienco 1 tiếp nhận phần thầu này thì các giải pháp thi công phía Việt Nam không hề thua kém

Nhận xét về nhà thầu Trung Quốc, ông Bình cho rằng, các nhà thầu này có đặc điểm là thường áp dụng hàm lượng thủ công lớn, tận dụng nhiều công nhân và cơ giới hóa, tối ưu hóa thì không bằng các nhà thầu như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cũng theo ông Bình, về năng lực thi công, công nghệ, các nhà thầu Việt Nam như Cienco 1 hoàn toàn có thể đáp ứng được, xây dựng các công trình hiện đại, mang tầm vóc cho Việt Nam.
"Nếu nhà thầu Trung Quốc rút về nước do sự kiện ở Biển Đông thì trước tiên là thiệt hại cho họ. Trong nhiều dự án, nhà thầu Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được công việc. Mà không chỉ bây giờ, năm 1979, phía Trung Quốc đang làm dở cầu Hang Tôm ở Lai Châu, sau đó rút về thì Công ty cầu 12 của ta tiếp tục thi công và trở thành một cây cầu đẹp có giá trị tới tận bây giờ" - ông Bình nói.
Có mặt trên công trường thi công cầu Đông Trù, một sinh viên tên Hân đang thực tập tại công trình cho hay, thật may mắn cho những sinh viên ngành giao thông như em khi được học hỏi tại công trình do chính những người Việt Nam làm như thế này.
"Tôi được học hỏi rất nhiều từ công trình này, công nghệ mà Cienco 1 đang thi công ở đây còn là đề tài tôi làm luận văn tốt nghiệp. Hy vọng, các công ty, nhà thầu của Việt Nam trúng thầu nhiều công trình để những sinh viên như chúng tôi có cơ hội được làm việc, được cống hiến"- Hân chia sẻ./.
Tác giả bài viết: Song Đào ( Báo Điện tử Tổ quốc)