Hai sà lan 3.600 và 2.000 tấn vận chuyển cần cẩu 500 tấn đang chuẩn bị cho công tác trục vớt cầu Ghềnh
Theo các thợ lặn, nhịp cầu chìm nằm ở độ sâu 13m, dính nhau bởi thanh ray. Trong đó, một đầu nhịp 2 kê lên mố cầu sập, nhịp cầu 3 treo lơ lửng do dính ray sắt với nhịp bên kia.
Sau khi thống nhất phương án, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1, đơn vị trục vớt cầu Ghềnh) đã huy động lực lượng tiến hành cắt thanh ray trên nhịp 4 để tách các hạng mục bị đổ sập khỏi phần còn lại của cầu. Các kết cấu dầm cầu bằng thép sau đó được chuyển lên sà lan đưa về điểm tập kết. Các thợ lặn thực hiện việc neo, móc treo vào cầu để kéo lên.
Theo ông Nguyễn Duy Thắng, Phó tổng giám đốcTổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) cho biết: “Chúng tôi đang làm công tác chuẩn bị để có thể tiến hành trục vớt vào ngày mai 27-3, nhiều khả năng việc cắt nhịp cầu được thực hiện một ngày sau đó”.
Cũng theo ông Thắng, việc trục vớt nhịp cầu Ghềnh bị sập gặp nhiều khó khăn do nước dưới sông chảy xiết; lòng sông rất nhiều đá, sỏi gây trở ngại cho công tác định vị các thiết bị trục vớt.
Cụ thể, trong ngày 26/3, Cienco 1 tiến hành khảo sát xung quanh cầu Ghềnh, xác định dầm cầu dưới lòng sông, cố định các vị trí neo cho hai sà lan 3.600 và 2.000 tấn.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình trục vớt, bước đầu Cienco 1 sẽ tiến hành khoan cắt vị trí dầm cầu số 2 tại vị trí mố cầu số 1, các thanh sắt đường ray và đưa toàn bộ xuống lòng sông để khoan cắt tiếp theo.
Sau khi dầm số 2 được đưa xuống lòng sông, người nhái sẽ sử dụng các vật dụng khoan cắt dưới nước cắt mỗi dầm cầu ra thành hai, dùng cần cẩu 500 tấn trên sà lan 3.600 tấn cẩu lên và lai dắt vào bờ.
Dự kiến ngày 28/3 mới đưa được các dầm cầu lên bờ và đến ngày 2/4, công tác trục vớt sẽ hoàn tất
.
Ý kiến bạn đọc