Ngày này cách đây 54 năm, ngày 3 tháng 8 năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bắt đầu bước vào giai đoạn khốc liệt, giặc Mỹ xâm lược mở cuộc chiến tranh phá hoại, đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, Ban chỉ đạo miền Tây - tiền thân của Tổng công ty XDCTGT1 ngày nay được thành lập.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính Phủ là nhanh chóng xây dựng mạng lưới giao thông nhằm đảm bảo yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo miền Tây, nhiều công trường làm đường đã đồng loạt được triển khai. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, làm đường với những dụng cụ thô sơ, chủ yếu sử dụng sức người là chính, điều kiện sống hết sức kham khổ. Song tất cả mọi người, từ cán bộ, công nhân đều làm việc hết mình, xây dựng và nối thông các tuyến đường chiến lược, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt. Công trường làm đường miền Tây là trường học lớn rèn luyện nhiều cán bộ giao thông và hàng nghìn công nhân trưởng thành. Từ cái “nôi” này, nhiều cán bộ, công nhân đã bổ sung cho Ban 67, tham gia mở đường Trường Sơn huyền thoại, tham gia Cục công trình I xây dựng và bảo đảm giao thông Khu IV và nhiều đơn vị khác.
Đến cuối năm 1965, do giặc Mỹ ồ ạt ném bom, bắn phá miền Bắc, nhiệm vụ ngày càng lớn và phức tạp, xây dựng giao thông không thể tách rời nhiệm vụ bảo đảm, ứng cứu, sửa chữa mạng lưới cầu đường. Tháng 6 năm 1966, Ban chỉ đạo miền Tây được đổi tên thành Cục công trình II. Với quyết tâm bám cầu bám đường, cán bộ, công nhân Cục công trình II đã chuyển hẳn sang nếp sống thời chiến, thường xuyên có mặt đảm bảo giao thông trên khắp các nẻo đường, tại các trọng điểm giao thông thường xuyên bị địch đánh phá. Trong gian khổ, thiếu thốn, trong mưa bom bão đạn nơi tuyến lửa, các cây cầu tạm, cầu phao chuyên dùng, những dầm cầu cơ động tháo lắp nhanh, cầu dây cáp, ngầm vượt sông...được lắp đặt thành công, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh, bên cạnh nghề xây dựng cầu đường, Cục công trình II đã bước đầu mở sang một số lĩnh vực khác như xây dựng cảng sông, cảng biển, sân bay, cơ sở công nghiệp, kiến trúc…
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước thống nhất, Tổ quốc ta liền một dải. Cán bộ và công nhân Cục công trình II đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với rất nhiều tấm gương dũng cảm, hy sinh, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sáng ngời tinh thần yêu nước bất khuất. 123 cán bộ, công nhân đã anh dũng ngã xuống trên mặt trận bảo đảm giao thông. Các anh Đỗ Văn Bích, Phan Xuân Thung, chị Nguyễn Thị Lượng được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đại đội C9 TNXP là tập thể Anh hùng, 5779 người được tặng Huân, Huy chương chống Mỹ cứu nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, từ năm 1975 đến năm 1982, Cục công trình II đổi tên thành Xí nghiệp liên hợp công trình II, và từ năm 1983 đến năm 1985 là Liên hiệp các xí nghiệp giao thông khu vực I. Trong hơn mười năm tiếp theo, Tổng công ty đã ba lần đổi tên: giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1990 là Liên hiệp các xí nghiệp giao thông 1; từ năm 1991 đến năm 1994 là Tổng công ty xây dựng công trình 1, và từ năm 1995 là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1).
Sau chiến tranh, cùng với nhân dân cả nước, những người thợ cầu đường của Xí nghiệp liên hợp phấn khởi, tự hào bắt tay vào công cuộc hàn gắn các vết thương chiến tranh, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình giao thông, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế với tay nghề và trình độ kỹ thuật ngày càng cao. Các công trình tiêu biểu thời kỳ này là khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất cùng nhiều công trình khác như: hệ thống cầu đường Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, cầu Hoàng Thạch, hệ thống cầu đường sắt và cảng than Uông Bí, Vàng Danh, Mạo Khê (Quảng Ninh), khu công nghiệp Apatit (Lao Cai), khôi phục tuyến đường sắt Kép - Bãi Cháy, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng, xây dựng cảng sông Hà Nội, mở rộng cảng biển Chùa Vẽ, xây dựng nhà máy đóng tàu Hạ Long, sửa chữa tàu biển Phà Rừng, mở rộng và nâng cấp Sân bay quốc tế Nội Bài. Đặc biệt là cầu Chương Dương - công trình trọng điểm tại thủ đô Hà Nội, những người thợ Liên hiệp I đã làm nên điều phi thường: làm việc ba ca liên tục, phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành cầu trước thời hạn gần một năm. Nhiều tập thể và cá nhân đã có những cống hiến đặ biệt xuất sắc. Tiêu biểu là hai đơn vị: Công ty cầu 12 và Công ty cầu 16 và một cá nhân - anh Nguyễn Thế Tùng - thợ sắt 7/7 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Tổng công ty được Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất, nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương lao động, cờ Luân lưu của Chính phủ trong dịp khánh thành cầu Chương Dương lịch sử năm 1985.
Lãnh đạo Bộ GTVT và TP Hà Nội kiểm tra dự án xây dựng cầu Chương Dương năm 1983
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp Đổi mới, từ bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyến sang cơ chế thị trường. Thời kỳ này, nguồn vốn đầu tư cho giao thông giảm đáng kể, thợ cầu đường thiếu việc làm trầm trọng. Trong bộn bề khó khăn, Đảng ủy và lãnh đạo Tổng công ty vẫn giữ vững đội ngũ, giữ nghề. Đầu những năm 1990, Tổng công ty có những quyết định táo bạo có ý nghĩa xoay chuyển tình thế: vào Tây Nguyên thi công hệ thống giao thông của Nhà máy thủy điện Yaly và cùng với CIENCO8 trong Liên doanh CEI18, đấu thầu và trúng thầu quốc tế dự án ADB4 đường 13 Bắc Lào, nhanh chóng làm chủ dàn thiết bị mới và triển khai dự án theo quy trình AASHTO dưới sự giám sát của tư vấn quốc tế. Ở trong nước, các dự án như đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, Quốc lộ 183, cầu Đò Quan (Nam Định), cầu Bo (Thái Bình), cầu Nông Tiến (Tuyên Quang) cùng nhiều dự án khác đã góp phần tạo quỹ công việc ổn định cho cán bộ, công nhân, đưa Tổng công ty dần thoát khỏi khó khăn. Thời kỳ này, tiêu biểu nhất là dự án cầu Phú Lương (Hải Dương). Tại công trình này, lần đầu tiên ở nước ta, công nghệ thi công đúc hẫng cân bằng dầm hộp liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực khẩu độ lớn được áp dụng thành công. Với dàn thiết bị hiện đại được đồng bộ hóa, Tổng công ty ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới vào xây dựng công trình. Nhờ đó, không chỉ thoát ra khỏi khó khăn, Tổng công ty đã có bước trưởng thành, có mặt vượt bậc, đưa doanh nghiệp vận hành theo cơ chế thị trường, ưu tiên xây dựng đội ngũ và đầu tư công nghệ, tạo cơ sở cho bước phát triển tiếp theo.
Bước vào thiên niên kỷ mới, nhờ được chuẩn bị tốt, Tổng công ty đã trúng thầu, thực hiện thành công nhiều dự án lớn như: nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 51, đường Hồ Chí Minh, các công trình ở nước bạn Lào, Campuchia, đầu tư nhiều dự án theo hình thức BOT . Hàng trăm cây cầu lớn như Tân Đệ, Lạc Quần, Hòa Bình, Thị Nại, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, cảng Sài Gòn, cảng Dung Quất, sân bay Vinh, nhà ga T2 sân bay Nội Bài, đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai,…đã được CIENCO1 hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đăc biệt là trong những năm gần đây, Tổng công ty đã có được những thành công nổi bật trong việc thi công những công trình có yêu cầu cao về kỹ thuật, thẩm mỹ và kiến trúc. Điển hình như cầu quay sông Hàn, một biểu tượng của Đà Nẵng năng động và sáng tạo, cầu Rạch Miễu (Bến Tre) nhịp chính dài 270m là cầu dây văng tự lực tự cường hoàn toàn do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế và CIENCO1 thi công toàn bộ phần cầu dây văng, cầu Rồng với kết cầuVòm Thép có thiết kế độc đáo hình con Rồng truyền thống thể hiện khát vọng vươn ra biển lớn, đã đoạt giải thưởng lớn năm 2014 của Hội đồng các công ty kỹ thuật Hoa Kỳ, cầu Trần Thị Lý là cầu dây văng 3 mặt phẳng dây tạo dáng hình cánh buồm, tháp cầu cao xấp xỉ 130m, nghiêng 12 độ đặt trên gối cầu có tải trọng 32.000T (lớn nhất thế giới), cầu Đông Trù (Hà Nội) gồm 3 nhịp cầu đôi, bề rộng mặt cầu B=54.5m, có sơ đồ kết cấu nhịp liên tục 80+120+80m sử dụng kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông, cầu vượt Ngã ba Huế - nút giao lập thể hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, cầu Vàm Cống cây cầu dây văng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long và cầu dây văng Bạch Đằng kết nối giao thông giữa Quảng Ninh - Hải Phòng đã được những người thợ cầu CIENCO1 thi công về đích theo tiến độ cam kết. Công nghệ thi công đường bộ tiên tiến nhất của thế giới như ASSHTO, thi công tạo nhám NOVACHIP của Mỹ cũng được CIENCO1 áp dụng thành công tại các dự án cao tốc như Pháp Vân-Cầu Giẽ, Hà Nội- Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, Láng Hòa Lạc...
Các công trình do CIENCO1 thi công đều đạt và vượt tiến độ yêu cầu, qua thực tiễn khai thác đã chứng minh chất lượng tốt nhất. Nhiều công trình được giải vàng về chất lượng. Thương hiệu CIENCO1 ngày càng được nhiều chủ đầu tư, đồng nghiệp, khách hàng nhắc đến như một một nhà thầu và nhà đầu tư tin cậy, một thương hiệu hàng đầu về xây dựng giao thông ở trong nước và trên thị trường quốc tế.
Từ kết quả tốt của hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống và việc làm cho người lao động luôn được quan tâm, được trả lương, thưởng kịp thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực mới, tuyển chọn và bổ sung, khuyến khích lao động sáng tạo. Cùng với đó, Tổng công ty đã làm tốt công tác xã hội, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện. Hàng năm, Tổng công ty đã tổ chức và tích cực tham gia nhiều đợt quyên góp tặng quà, thăm hỏi các gia đình chính sách, các gia đình gặp khó khăn tại các tỉnh, vùng sâu, vùng xa, vận động CBCNV tham gia ủng hộ quỹ "Vì người nghèo", quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", quỹ Xã hội ngành GTVT và nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao có ý nghĩa khác.
Song song với các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu mối của các tổ chức Đảng trong Tổng công ty cũng có sự điều chỉnh theo hướng thuận lợi. Từ năm 2002, từ chỗ là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Quân ủy Đống Đa (Hà Nội), Đảng bộ CIENCO1 được Thành ủy quyết định nâng cấp thành Đảng bộ cấp trên cơ sở. Đảng bộ các đơn vị thành viên Tổng công ty đang sinh hoạt ở các quận, huyện đều chuyển về sinh hoạt trong Đảng bộ Tổng công ty. Đây là bước quan trọng bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt và tạo sự hợp tác, đoàn kết cao trong Tổng công ty để thực hiện các nhiệm vụ, các dự án lớn của ngành GTVT.
Cienco1 nhận Huân chương độc lập Hạng nhất CHDC Nhân dân Lào trao tặng
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức: Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong Tổng công ty luôn phát huy vai trò trong các hoạt động, phối hợp tốt với cơ quan chuyên môn và các đoàn thể, tích cực động viên lực lượng đoàn viên hăng say sản xuất, không quản ngại gian khổ hy sinh, vì sự nghiệp GTVT nước nhà, vì sự phát triển của Tổng công ty. Tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên với chức năng nhiệm vụ của mình đã xây dựng chương trình hoạt động một cách sáng tạo, bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất, các hoạt động xã hội, động viên người lao động ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính Phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty đã triển khai kịp thời và nghiêm túc nhiệm vụ này. Từ tháng 5 năm 2014, Tổng công ty chính thức chuyển sang hình thái mới là doanh nghiệp cổ phần. Sau 1 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt Cổ phần hóa, Tổng công ty cũng là đơn vị đầu tiên thoái thành công 100% vốn nhà nước. Điều đó chứng tỏ uy tín, thương hiệu CIENCO1 mang đến cho các nhà đầu tư niềm tin về một doanh nghiệp có truyền thống, làm ăn bài bản, chuyên nghiệp, có tương lai phát triển tốt. Thời gian tới, CIENCO1 có thêm cơ hội mở rộng cơ chế huy động vốn, đổi mới quản trị theo hướng tăng tính công khai, minh bạch, kết hợp hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người lao động, trên cơ sơ đó tiếp tục khai thác thế mạnh sẵn có của mình. Với định hướng chiến lược là xây dựng Tổng công ty trở thành doanh nghiệp Xây dựng, đầu tư và Quản lý cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển ngành nghề xây lắp lên tầm cao mới, nâng cao hiệu quả đầu tư, Tổng công ty sẽ tiếp tục đổi mới thiết bị, công nghệ theo hướng hiện đại, tiếp cận chuyển giao các công nghệ mũi nhọn, chủ lực như cầu dây văng, hầm đường bộ, đường sắt, sân bay, bến cảng, cầu vượt biển...Về đầu tư hiện CIENCO1 đã và đang tham gia 7 dự án BOT có giá trị đầu tư cao như BOT cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miễu, Pháp Vân-Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, cầu Việt Trì, đường tránh Thành phố Thanh Hóa, truyến tránh Phủ Lý với tổng mức đầu tư của các dự án lên tới trên 18.000 tỷ đồng. Trên cơ sở khai thác hiệu quả các dự án đầu tư sẵn có, CIENCO1 tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BOO, PPP. Tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng nâng cao năng lực quản lý điều hành, tinh gọn bộ máy quản lý, thoái vốn tại một số doanh nghiệp chưa hiệu quả. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước tìm kiếm thị trường trong nước, các nước trong khu vực và quốc tế.
Hơn nửa thế kỷ vững bước đi lên của Tổng công ty XDCTGT1 gắn liền với nhiều biến động vô cùng lớn lao của lịch sử dân tộc. Ra đời từ trong khói lửa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc với những công trình đảm bảo giao thông, đến những công trình hiện đại trong xây dựng hòa bình, trong thời kỳ đổi mới, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, thương hiệu CIENCO1 đã được khẳng định và ngày càng tỏa sáng trên khắp mọi miền của Tổ Quốc, trên nước bạn Lào và Campuchia. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Tổng công ty trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Tổng công ty nhiều phần thưởng cao quý: danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, 11 huân chương Độc lập các, 81 huân chương Lao động các loại, hàng trăm cờ thi đua của Chính Phủ, của Bộ GTVT, của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nhiều tập thể và cá nhân các công ty thành viên được tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, bằng lao động sáng tạo, nhiều tập thể cá nhân được nhận Huân huy chương các loại của CHDCND Lào và Vương quốc Cambodia…
Con đường đi lên của Tổng công ty có lúc thuận lợi, nhưng cũng có lúc khó khăn với nhiều lần thay đổi tên gọi. Để có được Tổng công ty như ngày hôm nay, lớp lớp các thế hệ của Tổng công ty đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu, chịu đựng nhiều gian khổ hy sinh, đã lao động quên mình, lao động thông minh và sáng tạo để làm nên kỳ tích vẻ vang, làm nên truyền thống và thương hiệu CIENCO1, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của Ngành GTVT và của dân tộc. Truyền thống và thương hiệu đó đã trở thành nền tảng tinh thần, là tài sản vô cùng quý giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Vinh dự, tự hào được đứng trong ngôi nhà chung CIENCO1, càng trân trọng quá khứ, nâng niu gìn giữ, phát huy những thành quả đã đạt được, chúng ta càng ra sức phấn đấu để xây dựng Tổng công ty ngày càng phát triển vững mạnh.
Ý kiến bạn đọc