Đăng lúc: Thứ tư - 01/01/2014 22:38 - Người đăng bài viết: Nguyen Huy

Thợ cầu Cienco1 với hai công trình nghệ thuật độc đáo

2 công trình nổi tiếng nhất của TP Đà Nẵng hiện nay- mà người ta thường ví von gọi là 2 công trình thế kỷ: công trình cầu mới Trần Thị Lý- Nguyễn Văn Trỗi và cầu Rồng đã và đang ngày đêm tốc lực dưới bàn tay tài hoa của những người thợ cầu Cienco1 để cùng với công trình cầu Nguyễn Tri Phương về đích chung 1 ngày lịch sử: 29.3.2013- chào mừng kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Đà thành.
Thợ cầu Cienco1 với hai công trình nghệ thuật độc đáo

Thợ cầu Cienco1 với hai công trình nghệ thuật độc đáo

Chủ động công nghệ tháp dây văng nghiêng 12 độ - lần đầu tiên tại Việt với cầu mới Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Trỗi  
 
    14h chiều một ngày trung tuần tháng Bảy- miền Trung cái nắng rây người, tôi và anh Vũ Ngọc Trung (chuyên viên phòng giám định và quản lý chất lượng công trình, Sở GTVTĐN) tiếp tục hành trình đến với thợ cầu Cienco1 trên công trình cầu mới Trần Thị Lý- Nguyễn Văn Trỗi (TTL-NVT). Có lẽ phỏng được sự “đội nắng” tất tưởi của chúng tôi nên ngay từ đầu ngõ công trường, Giám đốc điều hành công trình Ngô Bá Toản (Cienco 1) đã đón chúng tôi bằng sự niềm nở, tận tình, làm vơi đi trong tôi cái nóng bừng vì ráp nắng. Anh Vũ Ngọc Trung bảo, anh “đứng” ở cầu này nên nắm rất rõ, thợ cầu Cienco1 đã thực sự làm chủ được công nghệ với tháp dây văng nghiêng 12 độ lần đầu tiên tại Việt Nam và lần thứ 2 trên thế giới. Tôi hỏi anh Ngô Bá Toản cảm nhận thế nào khi thi công công trình trọng điểm mà lãnh đạo thành phố rất mực quan tâm? Người kỹ sư sinh năm 1969 này tự hào lắm bởi sự gắn bó lâu năm với Đà Nẵng “ Tôi đến với Đà Nẵng từ khi làm cầu sông Hàn, đến cầu Cẩm Lệ, rồi đến cầu Tuyên Sơn và giờ đây là cầu này. Tôi quá hiểu Đà Nẵng và rất thích cách làm việc lãnh đạo TP này. Tôi chưa thấy nơi nào mà lãnh đạo TP lại quan tâm sát sườn, chỉ huy trực tiếp hiện trường đến thế. Lãnh đạo TP xuống tận nơi để chọn tỉ mỉ từng kiến trúc một, từ cái đèn chiếu, lan can, màu sắc… Tôi cam đoan, nếu nhà thầu mà không làm được ở Đà Nẵng thì không thể đi đâu làm được hết vì chủ đầu tư là Sở GTVT luôn tháo gỡ vướng mắc tại công trường kịp thời từ kỹ thuật cho đến kinh tế, luôn có phương án giúp đỡ nhà thầu. Đây là công trình không những chỉ đảm bảo đơn thuần là hệ thống giao thông mà còn là 1 công trình nghệ thuật độc đáo”. Nghe vậy, tôi tiếp hỏi anh “Vậy thì cái khó của 1 công trình nghệ thuật như thế là gì?”. Ngước mắt nhìn vút lên những nhịp dây văng đang dần hình thành, phút trầm ngâm anh mới nói “ Với 33 dây nhịp chính và 30 dây nhịp dẫn neo từ trụ tháp xuống dầm chính và mố, chiều dài dây từ 100- 280m, số lượng tao trong dây từ 33- 95 tao, mỗi tao gồm 7 sợi 15,7m, thi công theo hệ dây văng SSI2000 với công nghệ thi công căng từng tao. Trụ tháp thi công bằng hệ ván khuôn leo và cẩu tháp tốc độ trung bình 7 ngày/ 1 đốt tháp cao 4m. Mà tháp dây văng phải nghiêng 12 độ, tiết diện phải thay đổi từ chân tháp đến đỉnh tháp đòi hỏi thợ cầu chúng tôi vừa làm vừa học hỏi các chuyên gia nước ngoài về cáp dây văng mới chủ động được công nghệ này. Đồng thời, dầm hộp ở công trình này lại có thành bê tông mỏng nhất Việt hiện nay, sườn đứng 20cm, cốt liệu dùng trong cấp phối bê tông cực kỳ chính xác nên bắt buộc sự quản lý hết sức chặt chẽ”.
    Công trình cầu TTL- NVT mới vượt qua sông Hàn là công trình cấp 1 được xây dựng với 6 làn xe, tải trọng HL93 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, chiều dài toàn cầu là 759,6m (kể cả 2 mố), rộng 34,5m, được khởi công vào ngày 22/4/2010 và thời gian dự kiến hoàn thành ban đầu là tháng 7/2013. Nhưng sau khi thấy được sự tốc lực của những thợ cầu Cienco1 đã xong các hạng mục công trình sớm hơn dự kiến khoảng 3 tháng, lãnh đạo TPĐN quyết tâm đốc thúc công trình đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian hoàn thành là vào ngày 29/3/2013 để trở thành công trình manh tính lịch sử.
    Đứng chênh vênh giữa nắng và gió trên mặt dầm dẫn được thi công bằng hệ đà giáo đẩy của Cienco 1 tự chế tạo, tôi được dịp râm ran chuyện trò với mấy anh công nhân đang trong phút nghỉ tay uống nước. Một anh thợ cầu chỉ cho tôi tường tận “Chiều dài mỗi nhịp dầm dẫn là 50- 60m, khối lượng bê tông 1200- 1600m3, thời gian thi công trung bình 60 ngày/nhịp. Dầm chính thi công trên hệ đà giáo cố định thay đổi so với phương án TKKT bằng xe đúc hẫng, thời gian là 7 ngày/ 1 đốt dầm 6m”. Tôi hơi ngạc nhiên bởi cả nghĩ là 1 anh công nhân mà sao am hiểu kỹ thuật rạch ròi đến vậy. Như đọc được ý nghĩ của tôi, anh nói “Chúng tôi được đào tạo là thợ kỹ thuật có bậc nghề của Tổng công ty chứ không phải là lao động phổ thông đâu nhà báo ạ”. Làm tôi chút ngượng ngùng và hỏi anh Toản mới biết đó là thợ cầu có tay nghề Hoàng Thế Đông - Tổ trưởng Tổ kích kéo.
    Đi dọc “1 dải” công trường, tôi đã chứng kiến tận mắt 4 mũi thi công gồm tháp cầu, dây văng, dầm dây văng và dầm cầu dẫn. Anh Toản cho hay, “Toàn bộ công trình có khoảng 300 công nhân làm việc 3 ca liên tục. Hiện công trình đã đạt khoảng 80% khối lượng. Đến 30.8 này là xong toàn bộ thân tháp. Sàn vọng cảnh bỏ, thay vào đó là quả cầu tròn. Đến 31/1/2013 sẽ xong tất cả các phần thi công bê tông. 14/2/2013 sẽ thử tải, thông xe kỹ thuật”. Thợ cầu Vũ Anh Tuấn- Tổ trưởng Tổ sắt hàn thấy tôi xoay xoay với từng mũi thi công, anh vui đùa “Hãy nói về thợ cầu Hà Nội trên sông Hàn đi nhà báo ơi”. Tôi giật mình với ý nghĩ của anh thợ cầu này lại trùng với dự định của tôi và cũng là trùng khớp với lời nói của anh Ngô Bá Toản khi mới đón tôi rồi nhoẻn cười chào anh khi gió chiều thổi lên từ mặt sông Hàn mát rượi.
  
Thợ cầu Rồng: tổng động viên cho lung linh biểu tượng Rồng vươn ra biển lớn
   Nhận được “lệnh” của Giám đốc Ban quản lý dự án cầu Rồng Phạm Trường Sơn, chàng kỹ sư trẻ 25 tuổi Hoàng Anh Duy - chuyên viên kỹ thuật BQLDA cầu Rồng đã phải tất tả cùng tôi ròng 1 ngày lên cầu mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần thứ 7. Tôi ái ngại phiền Duy. Duy liến thoắng “Không sao đâu chị. Dân công trình tụi em thì làm gì có ngày nghỉ. Tất cả dồn lực tổng động viên đẩy nhanh tiến độ công trình để vì TP thân yêu mà”.
    Leo từ bờ Tây chạy ngược sang bờ Đông, leo lên cả hệ long môn, tôi và Duy mồ hôi rớt rạt khi mặt trời đứng bóng. Cái áo khoác chống nắng của tôi cũng không đủ chống, nghe nóng bục cả lưng, mặt và tay tôi đỏ rật. Nhìn bậc thang sắt thẳng đứng, tròng trèng để lên hệ đà giáo cọc khoan nhồi rồi lên cẩu long môn làm tôi phát… ớn. Vậy mà Duy cứ thoăn thoắt leo thản nhiên như đi trên mặt phẳng. Thấy tôi chần chừ, Duy như “biết lỗi” là mình quên ga lăng giúp chị, anh chàng lội ngược xuống 1 cách nhẹ nhàng, nắm tay đẩy tôi leo. Cảm giác sờ sợ khi ở trên độ cao nhìn xuống sông Hàn làm tôi lạnh cả…gáy, rồi cả nghĩ, ngộ nhỡ trật chân rơi tõm xuống dòng sông đang chảy cuồn cuộn thế kia thì xem như…toi. Hiểu được sự ngần ngại của tôi, Duy trấn an “Cứ vịn chặt tay vào thanh sắt mà đi chị ạ. Như em nè, đi riết thành quen. Chị nhìn thấy đó, các anh kia (công nhân - HN) đi nhuần nhuyễn đó kìa”. Tôi nhìn theo tay chỉ của Duy, đúng vậy, thấy các anh công nhân cứ leo trèo nhẹ như lông hồng. Thế mới biết được sự rắn rỏi, cứng cáp của thợ cầu là như thế nào.
    Công trình cầu Rồng với tổng mức đầu tư cũng khoảng gần 1.500 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Nhà nước với chiều dài 666m, trong đó cầu chính gồm 5 nhịp liên tục chiều dài là 592m (từ trụ P0- P5), 2 nhịp 2 đầu là dầm hộp BTCT DƯL, thi công bằng phương pháp đổ tại chỗ trên đà giáo, 3 nhịp giữa là dầm hộp thép liên tục được treo vào các vòm thép bên trên thông qua hệ thống cáp treo, vòm thép là 5 ống thép độc lập đường kính 1200mm được liên kết với nhau thông qua các mặt bích bằng thép, các vòm có khẩu độ từ 90m- 160m. Vòm có bán kính cong theo đường sinh từ 80- 130m. Khối lượng chủ yếu của công trình bao gồm 26 cọc khoan nhồi đường kính từ 1500mm và 131 cọc khoan nhồi đường kính 2000mm. Theo đó, nhà thầu phải huy động cho công trình khoảng 4.200 tấn tôn vách, gần 8.000 tấn thép tròn, 4.400 tấn thép hình các loại, 2.700 tấn thép dầm, 2.100 tấn thép vòm, đúc 100.200 mét khối bê tông và với gần 600.000 lượt nhân công, cùng vật tư, thiết bị phụ trợ khác. Phần nhịp dẫn bờ Đông gồm 3 nhịp có tổng chiều dài 74m, mặt cắt ngang là dầm bản rỗng BTCT ứng suất trước lắp ghép. Kết cấu hạ bộ bằng BTCT đặt trên hệ cọc khoan nhồi đường kính cọc 1,5 đến 2m.

Đứng tại mũi thi công vòm thép, nhìn rõ các thợ cầu thuần thục trong việc thi công bằng hệ đà giáo cố định, sau đó dùng cẩu long môn để di chuyển lắp các đốt vòm lại với nhau thông qua hệ liên kết bằng mặt bích. Mỗi đốt vòm có trọng lượng khoảng 5,5 tấn/1 ống 10m. Tôi thầm thán phục thợ cầu Rồng bắt nhịp với công nghệ rất giỏi. Đó là chưa kể đến việc thi công dầm thép bằng hệ đà giáo cọc khoan nhồi D1m và cao độ từ 38m đến 45m. Sau đó dùng cầu long môn có tải trọng 100 tấn di chuyển trên hệ đà giáo cọc khoan nhồi để nâng hạ các đốt dầm có tải trọng 80 tấn/ 1 đốt. Thợ cầu Đinh Đức Cảnh- Tổ giàn giáo (24 tuổi, quê Thanh Hóa) lí lách nói cho tôi nghe nhưng mắt thì cứ dán chặt vào đôi tay đang siết mạnh từng con bu lông giàn giáo “Em vào làm đây đã được hơn 1 năm rồi. Việc xiết bu lông nghe thì tưởng như đơn giản lắm nhưng thực sự đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ từng li một đó. Phải chịu khó tỉ mẩn từng con bu lông một, phải xem việc xiết từng con bu lông như uốn từng nét chữ của mình thì “trang” giàn giáo mới chuẩn được, mới chắc được”. 
    Giám đốc Ban QLDA cầu Rồng Phạm Trường Sơn cho biết, khởi công từ ngày 19/7/2009, đến nay tiến độ công trình đạt khoảng 82%. Hiện chúng tôi đang tổng động viên quân cũng như máy móc, vật tư để tất cả chạy đua nước rút trước mùa mưa bão năm nay.
   Biểu tượng Rồng vươn ra biển lớn đang ngày ngày dần hình thành ngay giữa trung tâm đôi bờ sông Hàn. Nhìn những đôi tay của những thợ cầu tong tong dưới cái nắng cháy bỏng mèn mẹn vị biển trên công trường, tôi lại nhớ lời T.S Đặng Việt Dũng- Giám đốc Sở GTVTĐN “Chính bàn tay của những người thợ cầu trên sông Hàn mới là hương tỏa cho đời”./.
                                                                           Đà Nẵng, những ngày tháng Bảy
                                                                             Bài, ảnh: Dương Hằng Nga