Sáng 01/9/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng và Bộ GTVT đã tổ chức Lễ khánh thành và thông xe tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long và dự án cầu Bạch Đằng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và cắt băng khánh thành.
Cầu Bạch Đằng
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương…
Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương cắt băng khánh thành.
Công trình Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, khởi công ngày 25-1-2015, được CIENCO1 cùng liên danh các nhà đầu tư khác thực hiện theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư là 7.277,567 tỷ trong đó phần vốn đầu tư BOT là 6.789 tỷ (không bao gồm lãi vay), vốn ngân sách 488 tỷ. Dự án được chia thành 8 gói thầu xây lắp chính trong đó CIENCO1 thi công 01 gói cầu chính dây văng và Cầu 12 thi công 02 gói thầu cầu dẫn.
Cầu Bạch Đằng vượt dòng sông lịch sử Bạch Đằng giang
Tại buổi lễ ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Cienco1 kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Bạch Đằng thay mặt cho các nhà đầu tư và nhà thầu báo cáo quá trình đầu tư và triển khai thi công cầu Bạch Đằng: Ở vào vị trí đặc biệt vượt dòng sông lịch sử Bạch Đằng giang, dòng sông oai hùng của Tổ quốc Đại Việt xưa đã đi vào sử sách, nơi gắn liền với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo với bao chiến công hiển hách trong hành trình giữ nước chống giặc ngoại xâm, Cầu Bạch Đằng là một dự án lớn tầm cỡ quốc tế với chiều dài 5,4Km vượt qua ngã ba Sông Bạch Đằng, sông Cấm tại điểm đầu thuộc địa phận đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh và điểm cuối tuyến thuộc Quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Cầu Bạch Đằng gồm: Cầu chính dây văng vượt sông dài 700m; 4 nhịp dây văng với sơ đồ kết cấu nhịp (110+2x240+110) m nhịp chính vượt sông dài 240m là một trong những cầu có khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất hiện nay. Kết cấu trụ tháp và trụ neo đặt trên hệ thống cọc khoan nhồi đường kính 2m. Tháp cầu gồm 3 trụ tháp chữ H có chiều cao 100m, khổ thông thuyền 2x(180x48,4)m, bệ trụ thiết kế chống va xô với tàu 20.000 tấn; dầm BTCT DƯL tiết diện chữ pi, chiều rộng toàn cầu 28m.
- Phần cầu dẫn, cầu vượt và nút giao 2 bờ Quảng Ninh và Hải Phòng gồm 46 nhịp dầm Super-T, 8 nhịp dầm I và 03 cầu vượt đúc hẫng qua đường hiện hữu (DT356, đường bao KCN và cao tốc HN-HP), hệ thống móng cọc khoan nhồi đường kính từ 1,5m;chiều rộng toàn cầu là 25m.
- Đường đầu cầu đi qua vùng dất yếu là đầm lầy, xử lý nền đất yếu bằng cọc đất gia cố xi măng, đường dẫn phía QN dài 2km, nút giao với đường cao tốc HN-HP với chiều dài các nhánh rẽ 2km.
- Vận tốc thiết kế 100km với 4 làn xe, nút giao 60km/h; động đất cấp VIII, cấp độ gió 59m/s.
Bạch Đằng cũng là cây cầu dây văng lớn thứ 2 của Việt Nam sau cầu Rạch Miễu (Bến Tre) được thực hiện từ khâu thiết kế đến thi công hoàn toàn do kỹ sư công nhân người Việt. Đặc biệt trụ tháp cầu Bạch Đằng có chiều cao thiết kế bị khống chế tối đa không quá 100m do phải đảm bảo an toàn hàng không và chiều cao thông thuyền lớn 48.4 m để đảm bảo lưu thông hàng hải của tàu tải trọng lớn ra vào do đó việc thi công phần dầm dây văng và phần cáp dây văng gặp rất nhiều khó khăn phức tạp, góc nghiêng dây văng hẹp nhất từ trước đến nay, xe đúc thi công dầm dây văng cũng được thiết kế đặc biệt (trọng lượng xe đúc 250 tấn / xe) để thi công khối đúc có tải trọng lớn (475 tấn).
"
Sau 38 tháng thi công quyết liệt và khẩn trương, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức về mặt bằng, điều kiện thủy lực, thủy văn của sông Bạch Đằng, cùng với sự lao động miệt mài, sáng tạo của tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, thợ lành nghề của các nhà thầu thi công có năng lực kinh nghiệp hàng đầu của đất nước như: CIENCO1-TRUNG NAM - CẦU 12 - PHƯƠNG THÀNH-CƯỜNG THỊNH THI - PHÚC LỘC và Nhà thầu tư vấn TEDI, Viện khoa học công nghệ GTVT, đặc biệt dưới sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao quyết liệt của Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Bộ Giao thông Vận tải, thành phố Hải Phòng, sự quản lý khoa học của Sở GTVT Quảng Ninh, hôm nay cầu Bạch Đằng chính thức được thông xe trong niềm vui của Lãnh đạo và toàn thể nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Thành phố Hải Phòng cùng nhân dân cả nước". Ông Hòa khẳng định.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Cienco1, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng phát biểu tại buổi lễ
Thay mặt cho Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Thành phố Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có bài phát biểu tại buổi lễ. Nêu bật tầm quan trọng của dự án, đồng chí nhấn mạnh:
"Công trình cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, sau khi đưa vào hoạt động, sẽ trở thành cầu nối quan trọng cho khu vực, giúp tiết kiệm hơn 750 giờ cho lượng ô tô qua phà, cũng như tiết kiệm hơn 80 tỉ phí qua phà mỗi năm. Không chỉ giúp rút ngắn hơn 50 Km tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, Cầu Bạch Đằng sẽ liên kết tuyến cao tốc liên hoàn Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn, tạo điều kiện giải phóng toàn bộ tiềm năng vùng. Từ đó, tạo cơ hội phát triển mang tính chiều sâu, không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh, mà còn cho toàn bộ khu vực phía Bắc".
Trong bài phát biểu của mình, đồng chí đã ghi nhận và biểu dương những kỹ sư, cán bộ, công nhân viên lao động của các nhà thầu tham gia xây dựng dự án đã không quản ngày, đêm làm việc tăng giờ, tăng ca đưa công trình hoàn thành đúng tién độ.
Đồng chí Nguyễn Đức Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Tuyên bố khánh thành, thông xe, đưa vào vận hành công trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đột phá đáng tự hào hơn cả là việc hình thành một cây cầu “Made in Việt Nam” - cầu Bạch Đằng - một minh chứng cụ thể và rõ ràng về tinh thần tự lực, tự cường, về khả năng làm chủ công nghệ và thi công cầu đường của người Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Dự án được Quảng Ninh khẳng định là bước đột phá về nội lực, tiên phong trong việc đề xuất Chính phủ được tự huy động các nguồn vốn để xây dựng, không hoàn toàn trông chờ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Thủ tướng đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng tiếp tục đổi mới cách thức thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, chất lượng cao hơn để khu vực này trở thành một trung tâm du lịch, chế tạo và sáng tạo hàng đầu của đất nước.
Cầu Bạch Đằng và đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long chính thức thông xe đưa vào sử dụng
Sau tuyên bố phát lệnh của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh đã cắt băng khánh thành và thông xe tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng. Cùng với Lễ khánh thành thông xe tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh cũng khánh thành tuyến đường xa lộ 10 làn xe dài trên 5km nối tiếp đến Vịnh Hạ Long để xứng tầm cửa ngõ thành phố Hạ Long đang năng động phát triển theo hướng hiện đại.
Trước đó, vào chiều ngày 31/8, để ghi nhận và biểu dương những tập thể và các nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc tham gia xây dựng cầu Bạch Đằng, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh và Công ty cổ phần BÓT cầu Bạch Đằng đã tổ chức Lễ tổng kết đợt thi đua toàn dự án. UBND tỉnh Quảng Ninh đã tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 29 cá nhân có thành tích đóng góp xuất sắc nhất tham gia xây dựng xây dựng tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và Cầu Bạch Đằng. Bộ GTVT, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng cũng đã khen thưởng cho nhiều tập thể, cá nhân.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Toàn cảnh Lễ tổng kết
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị trong tham gia
xây dựng dự án tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và Cầu Bạch Đằng.
Tổng giám đốc CIENCO1 Đinh Văn Thanh (ngoài cùng bên phải) nhận Bằng khen của CT UBND Tỉnh Quảng Ninh
Ý kiến bạn đọc