Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, có chiều dài 5,4km, rộng 25m với 4 làn xe, nhịp thông thuyền 250m, có chiều cao thông thuyền cho tàu 2 vạn tấn, được đầu tư theo hình thức BOT.
Cầu do công ty CP BOT cầu Bạch Đằng làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh gần 490 tỷ đồng, gồm: chi phí giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ. Phần vốn còn lại do liên danh Công ty CP Đầu tư Cái Mép, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1), Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành, Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trung Nam, Tập đoàn SE (Nhật Bản) đầu tư.
Cầu bắc qua sông Bạch Đằng từ phường Đông Hải 2, quận Hải An (Hải Phòng) đến xã Liên Vị (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), dài 5,4 km bao gồm cả đường dẫn, rộng 25 m, thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h. Trong đó riêng chiều dài cầu là 3,5 km.
Lễ khởi công xây dựng cầu Bạch Đằng - Quảng Ninh
Cầu Bạch Đằng do người Việt Nam thiét kế và thi công
Cầu Bạch Đằng dài 3 km với 4 nhịp dây văng, chịu được động đất cấp 8, có 3 trụ chữ H thể hiện tam giác kinh tế giữa TP Hạ Long (Quảng Ninh) - TP Hải Phòng và TP Hà Nội. Trụ cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép. Trụ ở giữa cầu cao 99,74 m, hai trụ bên cao 94,5 m. Dây văng cầu làm bằng thép đặc biệt được nhập khẩu từ Italy. Công trình được thiết kế đảm bảo thông thủy cho tàu trọng tải lớn và không ảnh hưởng đến Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) cách đó khoảng 6 km.
Cây cầu có thiết kế dây văng hệ cáp 2 mặt phẳng, được đánh giá là nhiều nhịp lớn nhất Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng là một trong những cây cầu có khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất hiện nay.
Dự án hoàn thành sẽ giảm cự ly và rút ngắn thời gian từ Quảng Ninh đi Hà Nội, từ 180km còn 130 km, thời gian còn 1,5 giờ so với trước đây 3,5 giờ.
Đây là cây cầu “made in Việt Nam” thứ hai nhưng có kích thước lớn hơn do người Việt Nam thiết kế và thi công, trước đó là cầu dây văng Rạch Miễu nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Ý kiến bạn đọc