Khởi công cây cầu mang tên Bạch Đằng lịch sử

Sáng sớm 25-1, vẫn là cảm giác yên bình của vùng đất trù phú, giàu giá trị lịch sử, đường phố Quảng Yên rực rỡ cờ hoa. Trước mắt chúng tôi, Bạch Đằng Giang vẫn “bát ngát sóng kình muôn dặm” cùng âm vang hào khí chiến thắng Bạch Đằng. Những người dân nơi đây náo nức vui mừng bởi cây cầu nối đôi bờ Bạch Đằng Giang của tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng xuyên qua Quảng Yên được khởi công xây dựng.

Con tàu mang biển số QN 6666 của Tập đoàn Tuần Châu, chầm chậm đưa chúng tôi xuôi dòng Bạch Đằng lịch sử. Dòng sông oai hùng của Tổ quốc đã đi vào sử sách, nơi gắn liền với tên tuổi các vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo với bao chiến công hiển hách trong hành trình giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Tình cờ ngồi kế bên tôi là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, người đã có nhiều gắn bó và có nhiều duyên nợ với vùng đất Quảng Yên. Anh vui vẻ kể cho chúng tôi nghe: Nhìn xa ngút tầm mắt vậy nhưng thực ra sông Bạch Đằng chỉ dài 32km, là ranh giới tự nhiên giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). Theo lời các cụ kể lại thì xưa kia sông Bạch Đằng có tên gọi là Vân Cừ, dân gian gọi là sông Rừng. Sở dĩ sông có tên là Bạch Đằng là do ngày xưa hai bên bờ sông có rất nhiều cây cổ thụ và thường có sóng bạc đầu. Bạch là bạc, Đằng có nghĩa là cây cổ thụ. Tuy dòng chảy ngắn nhưng sông Bạch Đằng lại là đường thuỷ tốt nhất để đi vào Hà Nội từ miền Nam Trung Quốc. Cũng giống như hầu hết các con sông chảy qua Việt Nam, sông Bạch Đằng bù đắp phù sa cho hai vùng đất ven bờ. Người dân ven sông Bạch Đằng chủ yếu vẫn làm nông nghiệp. Những năm gần đây, tận dụng lợi thế các vùng đầm lầy, người dân Quảng Yên đã cải tạo để nuôi trồng thuỷ sản và cuộc sống người dân đã đổi thay rất nhiều. Bám vào đất, bám vào sông, nhiều người đã trở thành tỷ phú. Việc cây cầu Bạch Đằng được khởi công xây dựng hôm nay và dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2016, với mỗi người dân đều là những cảm xúc khác nhau. Với riêng tôi, điều này thật thiêng liêng và quý giá, bởi ước mong của bao thế hệ người dân sống đôi bờ Bạch Đằng về một cây cầu nối hai bờ sông như cha tôi và tôi đã sắp thành hiện thực.
 

Sau gần 90 phút được ngồi trên tàu, ngắm cảnh hùng vĩ của dòng sông, tàu chúng tôi cặp điểm trụ P21, Km22+700, sông Bạch Đằng, xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên - nơi sẽ chính thức phát lệnh khởi công xây dựng cầu Bạch Đằng. Như vậy, tiếp nối việc khởi công xây dựng cầu sông Chanh, cùng nhiều dự án hạ tầng khác được khởi công và khánh thành trong thời gian qua, việc khởi công dự án cầu Bạch Đằng đã khẳng định ý chí, niềm tin và hy vọng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh trong việc xây dựng và khẳng định thương hiệu Quảng Ninh trong quá trình phát triển của đất nước. Dự án này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với hàng vạn người dân sống trong khu vực mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với tỉnh Quảng Ninh, góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), hoàn thiện tuyến cao tốc ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ.

Trong không khí hân hoan của buổi lễ, tôi nhận thấy nụ cười rạng ngời trên những khuôn mặt sạm nắng của những người thợ xây dựng. Công nhân trẻ Nguyễn Đình Kiên, Xí nghiệp Cầu 17, Tổng Công ty Cienco 1 vui vẻ cho biết: Chúng tôi rất vui mừng vì đã đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình trong việc đảm bảo tiến độ Lễ khởi công. Thực tế, trong quá trình thi công, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn do không có điện lại phải phụ thuộc vào con nước thuỷ triều nên phương tiện đi lại và công việc hơi vất vả.

Được biết, để có đủ các điều kiện khởi công xây dựng Dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (gồm Dự án đường cao tốc nối Hạ Long đến cầu Bạch Đằng và Dự án cầu Bạch Đằng, đường nối và nút giao thông cuối tuyến), tỉnh Quảng Ninh đã rất nỗ lực trong suốt thời gian qua. Quyết tâm đó được thể hiện bằng việc tỉnh đã chủ động đề xuất Chính phủ giao cho tỉnh lập và triển khai dự án. Mặc dù đã được Chính phủ đồng ý nhưng việc triển khai dự án vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Trong điều kiện Chính phủ gặp khó khăn về bố trí vốn, nhất là vốn cho hạ tầng giao thông, việc triển khai dự án chưa thể thực hiện ngay được, Quảng Ninh đã chủ động, mạnh dạn đề xuất cho phép tỉnh tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai công trình với quyết tâm cao, huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho dự án. Ngày 19-3-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công Dự án đường cao tốc nối Hạ Long với cầu Bạch Đằng. Và đúng 11h30 ngày 25-1-2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phát lệnh khởi công Dự án cầu Bạch Đằng, đường nối và nút giao thông cuối tuyến. Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ còn chờ thời gian thi công để thành hiện thực.

Nhìn ra hai bờ sông, phía xa là dải rừng ngập mặn xanh ngút tầm mắt, và như gần trước mắt những cánh chim Hải Âu đang vui lượn trên những cánh sóng bạc đầu. Cây cầu mang tên dòng sông Bạch Đằng đang viết tiếp truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc trong một trang sử mới - Trang sử dựng xây Tổ quốc mạnh giàu!

 

Ghi nhận và chia sẻ

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng: “Quảng Ninh là địa phương đi đầu, sáng tạo, tích cực trong huy động nguồn lực đầu tư”

Trong bối cảnh đất nước đang thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, nhất là tạo nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thì việc phát huy tốt các hình thức đầu tư là vô cùng quan trọng và đáng khuyến khích. Có thể khẳng định, Quảng Ninh là địa phương tích cực, sáng tạo, đi đầu trong huy động nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với dự án cầu Bạch Đằng thì còn nhiều dự án thuộc về trách nhiệm của Bộ GT-VT nhưng Quảng Ninh đã chủ động trong thực hiện dự án và thu hút đầu tư dự án nên chúng tôi đánh giá cao quyết tâm đầu tư của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng Quảng Ninh đã có những giải pháp thu hút đầu tư rất tốt và triển khai dự án chỉ trong thời gian 24 tháng.

Dự án này được xác định là vùng địa chất phức tạp lại liên quan đến 2 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng vì thế Bộ GT-VT đã chủ động phối hợp với Hải Phòng và Quảng Ninh phê duyệt kế hoạch, trong đó có dự án đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; quy hoạch thiết kế và giới thiệu với Quảng Ninh các nhà thầu mạnh, có uy tín và kinh nghiệm tham gia dự án. Những điều này đã thể hiện sự quyết tâm cao của cả Trung ương và địa phương trong công tác thực hiện dự án. Chắc chắn rằng, khi dự án hoàn thành sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Quảng Ninh và khu vực.

Ông Lê Văn Thành, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng: “Hải Phòng sẽ bằng mọi giải pháp thần tốc để giải phóng mặt bằng”

Cầu Bạch Đằng là hạng mục quan trọng trong dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, kết nối tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời rút ngắn thời gian lưu thông Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh, góp phần tăng lực hấp dẫn đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Vì thế chúng tôi rất ủng hộ Quảng Ninh trong dự án động lực kết nối Hải Phòng - Quảng Ninh.

Công tác giải phóng mặt bằng dù có những vướng mắc, tuy nhiên, TP Hải Phòng đang nỗ lực phối hợp với tỉnh Quảng Ninh để bàn bạc và đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà thầu thi công theo đúng tiến độ đề ra. Chúng tôi khẳng định sẽ bằng mọi giải pháp thần tốc để giải phóng mặt bằng khu vực liên quan nhằm đảm bảo đúng tiến độ công trình đề ra.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó TGĐ CIENCO1, Chủ tịch HĐQT BOT Bạch Đằng:“Chúng tôi cam kết sẽ thi công dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ”

Dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nói chung, cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến nói riêng được đầu tư, khởi công xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối Quảng Ninh gần với Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt cầu Bạch Đằng hoàn thành sẽ góp phần quan trọng để Quảng Ninh phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội.

Xác định đây là một dự án khó, mất nhiều thời gian nên chúng tôi đã thành lập Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng, lên kế hoạch thiết kế, chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác nghiên cứu và thi công. Vì cầu Bạch Đằng có chiều dài 3km nên chúng tôi đã lựa chọn thiết kế loại hình cầu dây văng nhằm thích ứng chiều dài cầu. Đặc biệt, dự án có sự tham gia của 8 doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công cầu nên chúng tôi cam đoan sẽ thi công dự án đảm bảo chất lượng, kế hoạch, thi công đúng thiết kế, tiến độ.



Một số hình ảnh tại lễ khởi công:






Tác giả bài viết: Lê Hải