Khánh thành cầu Vĩnh Thịnh - cây cầu dài nhất vượt sông Hồng

Sáng nay, 8/6/2014, tại Sơn Tây, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh thông xe cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng, nối thị xã Sơn Tây và huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh thông xe cầu Vĩnh Thịnh

 

 Tới dự sự kiện này có Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Xuân Dụ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phan Văn Vọng và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng. Đại diện các cơ quan của Quốc hội có Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng... Phía Hàn Quốc có Thứ trưởng Bộ Chiến lược và tài chính Hàn Quốc, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại VN…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành cầu và phát lệnh thông xe
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành cầu và phát lệnh thông xe

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long - đại diện chủ đầu tư, chính quyền Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc và đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân VN và Hàn Quốc trực tiếp tham gia xây dựng cầu, đã phối hợp chặt chẽ để hoàn thành vượt tiến độ gần 7 tháng.

“Thay mặt Chính phủ và nhân dân VN, chúng tôi chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã tài trợ vốn vay ưu đãi cho cầu Vĩnh Thịnh. Đến nay Hàn Quốc đã là bạn hàng, nhà đầu tư tài trợ ODA hàng đầu cho VN. Riêng trong lĩnh vực giao thông, Hàn Quốc đã tài trợ cho 12 dự án, với tổng số hơn 1,1 tỷ USD. Chính phủ và nhân dân VN hết sức trân trọng và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi này, cũng như vốn mà các nước khác tài trợ cho VN. Chúng tôi mong hai bên cùng nỗ lực phấn đấu để đưa mối quan hệ hữu nghị trên tất cả các lĩnh vực vào chiều sâu hiệu quả, mà lãnh đạo cấp cao 2 nước đã thỏa thuận, để mang lại phồn vinh cho nhân dân 2 nước”-  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Cầu Vĩnh Thịnh được hoàn thành sớm hơn gần 7 tháng
Cầu Vĩnh Thịnh được hoàn thành sớm hơn gần 7 tháng

Tại buổi lễ, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại VN Joon Dae Joo và Thứ trưởng Bộ Chiến lược và tài chính Hàn Quốc Choo Kuyn Hoo đều phát biểu nhấn mạnh dự án cầu Vĩnh Thịnh là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị VN - Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết: “Đây là dự án đầu tiên mà Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc dành cho phát triển hạ tầng giao thông tại VN, thể hiện mối quan hệ hữu nghị VN – Hàn Quốc đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược của hai quốc gia. Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban QLDA Thăng Long làm quản lý dự án. Từ hôm nay, việc đưa cây cầu vào sử dụng giúp việc đi lại từ phía Tây Hà Nội với cao tốc Nội Bài - Lào Cai rút ngắn hàng chục kilômét. Người dân huyện Vĩnh Tường và Sơn Tây chấm dứt việc qua lại bằng phà lâu nay vốn ẩn chứa nhiều nguy hiểm”.

Cầu Vĩnh Thịnh có chiều dài gần 5,5km (trong đó cầu dài 4,48 km và đường hai đầu cầu dài 1,07km), một đầu điểm tại Km 4+313 - nút giao QL32 với tuyến tránh thị xã Sơn Tây và một đầu là Km 9+800 nối với QL 2C tại địa phận huyện Vĩnh Tường.

Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, chịu được động đất cấp 8, với tải trọng xe thiết kế HL93, mặt cầu dành cho 4 làn xe, khoang thông thuyền rộng 80m và cao 10m. Việc đưa vào sử dụng cầu Vĩnh Thịnh giúp người dân không còn phải lưu thông bằng phà, cũng như tạo đà thúc đẩy kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc, các tỉnh Tây Bắc và Hà Nội.

Tổng mức đầu tư dự án là 137 triệu đô USD, gồm 100 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc trong vòng 40 năm (10 năm đầu không tính lãi) và 37 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam. Công trình do các kỹ sư, công nhân Việt Nam và Hàn Quốc thi công và đảm bảo chất lượng, tính mỹ thuật. Trong đó, nhà thầu chính là Tập đoàn GS của Hàn Quốc, còn Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) là nhà thầu phụ đặc biệt của dự án này. Điều đặc biệt là cây cầu này đã hoàn thành xây dựng trong 28 tháng, sớm hơn 7 tháng so với kế hoạch. Hơn nữa, tính đến thời điểm này, cầu Vĩnh Thịnh là cầu vượt sông có chiều dài lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
 

Theo Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, cầu Vĩnh Thịnh sẽ là cầu chính trên tuyến đường vành đai 5, tuyến đường sẽ kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, các điểm du lịch góp một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và các mặt văn hoá, du lịch của thủ đô Hà Nội.

Tác giả bài viết: Báo GTVT