Báo giao thông: Nhiều "ông lớn" đấu thầu cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Trong tháng 6/2018, Ban QLDA Thăng Long công bố kết quả sơ tuyển nhà đầu tư để đầu quý III/2018 phát hành hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho DA cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ.
Cầu Rạch Miễu nối Bến Tre - Tiền Giang dự án BOT quy mô lớn đầu tiên do Liên danh Cienco1-Cienco6-Cieno5 thực hiện
Liên danh trong nước “đấu” nhà đầu tư ngoại

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Ngọc Dương, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ) cho biết, trong vòng 1 tháng bán hồ sơ mời sơ tuyển (16/4 - 16/5) có tới 11 bộ hồ sơ mời thầu được bán ra. Theo ông Dương, kết thúc thời hạn mời sơ tuyển (9h ngày 16/5), Ban QLDA Thăng Long đã nhận được hồ sơ nộp sơ tuyển của 4 nhà đầu tư với tổng số 14 doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Các doanh nghiệp này gồm cả đơn vị trong  nước như:IDICO - CIENCO1; Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cầu đường Sài Gòn - Tập đoàn CIENCO4 - Công ty CP Bê tông Hà Thanh; Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - CIENCO6 - Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 - Công ty Thi Sơn - Công ty Bắc Nam - CONICO 703;  

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23,6km, điểm đầu tại nút giao với QL80 (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), điểm cuối tại nút giao Chà Và với QL1 (tỉnh Vĩnh Long). Giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án được thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.408 tỷ đồng. 

Đối trọng lớn nhất của liên danh các nhà đầu tư Việt này dự đoán là liên danh CRBC - CCCC - HORIZON INVEST.,JSC Joint Venture. Ngoài HORIZON INVEST.,JSC Joint Venture là một doanh nghiệp trong nước, hai doanh nghiệp còn lại gồm: CRBC và CCCC (tên viết tắt trong hồ sơ nộp sơ tuyển) theo nguồn tin của PV, đều đến từ nước ngoài.

Theo đánh giá của một chuyên gia giao thông, tuy năng lực và kinh nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài chưa được biết đến nhiều trong lĩnh vực đầu tư, thi công các công trình giao thông tại Việt Nam, nhưng có ưu thế nguồn tín dụng dồi dào đến từ thị trường tài chính trong nước.

“Đây là một yếu tố khiến cho nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội trúng thầu cao hơn so với nhà đầu tư trong nước, bởi mức lãi suất vốn vay cho nhà đầu tư tại thị trường nước ngoài chỉ dao động từ 1-2 %/năm, trong khi ở Việt Nam khoảng 10%. Lãi vay là một yếu tố cấu thành trong tổng mức đầu tư. Khi lãi vay thấp, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bỏ giá thầu thấp nên khả năng trúng thầu cao hơn, đây là điều bất lợi đối với các nhà đầu tư trong nước”, vị chuyên gia này phân tích.
 

2

Các nhà thầu tăng cường thiết bị, nhân lực thi công nút giao Thân Cửu Nghĩa, một gói thầu của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: Phan Tư Doãn

Đấu thầu tổng mức đầu tư và thời gian thu phí

Theo ông Vũ Ngọc Dương, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long, đơn vị đang tiến hành chấm hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư, dự kiến kết quả sơ tuyển được công bố giữa tháng 6/2018. “Sau khi sơ tuyển, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ GTVT các cơ chế nhằm tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện hồ sơ pháp lý phát hành hồ sơ mời thầu, tiến tới tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án”, ông Dương nói và cho biết, vấn đề vướng mắc nổi cộm nhất của dự án hiện nay là cách thức sử dụng quyền thu giá cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (khoảng 4 năm 11 tháng) để hỗ trợ cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

“Chúng tôi cũng sẽ có văn bản xin ý kiến Bộ GTVT về cơ sở pháp lý thực hiện đấu thầu. Nếu dự án thực hiện theo quy định của Nghị định 30/2015, việc đấu thầu sẽ tiến hành căn cứ vào báo cáo nghiên cứu khả thi. Tiêu chí để đấu thầu là tổng mức đầu tư và thời gian thu phí trên phương án tài chính của dự án. Trường hợp đấu thầu theo quy định mới ban hành (Nghị định 63/2018), việc đấu thầu sẽ tiến hành sau khi có thiết kế kỹ thuật và dự toán”, ông Dương chia sẻ và cho biết thêm, dự kiến quy định vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư trong hồ sơ mời thầu sẽ tối thiểu là 20% tổng mức đầu tư dự án.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) cho biết, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ không nằm trong Nghị quyết của Chính phủ đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Do vậy, việc đấu thấu lựa chọn nhà đầu tư dự án sẽ vẫn thực hiện theo quy định hiện hành của Nghị định 30/2015. Nghĩa là, dự án sẽ đấu thầu theo báo cáo nghiên cứu khả thi, trên cơ sở tổng mức đầu tư và thời gian thu phí theo phương án tài chính của dự án.

“Trong tuần này, Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận các cơ chế triển khai dự án, trong đó có việc góp quyền thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ của dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương để hỗ trợ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, sau khi có kết quả sơ tuyển nhà đầu tư, đầu tháng 7/2018, dự án sẽ phát hành hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu trong quý III/2018.

“Dự kiến, dự án sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2019 và hoàn thành vào năm 2020”, ông Tuấn Anh cho biết.

Đình Quang

 

Tác giả bài viết: GTVT